Hoàng Thành Huế được bắt đầu xây dựng vào năm 1804. Các vòng thành bảo vệ Hoàng Cung do hai đại thần Lê Chất và Nguyễn Văn Chương phụ trách và giám sát trực tiếp. Các miếu thờ và cung điện quan trọng được trao quyền cho các đại thần Phan Văn Đức, Nguyễn Đức Xuyên, Lê Công Nga, Lê Văn Duyệt,... trông coi quá trình xây dựng.
Dưới thời đại các vua Nguyễn, Hoàng Thành Huế là hệ thống trọng địa số 1 về mặt hành chính. Nơi này tập trung các bộ máy điều hành việc nước cao nhất nên diện mạo các công trình luôn tráng lệ và bảo vệ nghiêm ngặt.
Kiến trúc Hoàng Thành Huế
Hoàng Thành Huế và các hệ thống cung điện phía trong được xây dựng trên trục đối xứng. Trong đó trục trung tâm là các công trình chỉ dành riêng cho vua. Những công kiến trúc ở 2 bên sẽ được bố trị chặt chẽ theo từng khu vực và tuân theo quy luật “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay ở phần bên trong miếu thờ cũng được sắp xếp theo thứ tự bên trái trước, bên phải sau.
Hoàng Thành có mặt bằng khá vuông vắn, mỗi bề mặt rộng khoảng 600m. Nguyên liệu để xây là từ gạch 4cm, xung quanh đều thiết lập hào bảo vệ và gồm 4 cửa để ra vào:
• Phía nam (cửa chính): Ngọ Môn
• Phía Đông: Cửa Hiển Nhơn
• Phía Tây: Cửa Chương Đức
• Phía Bắc: Cửa Hòa Bình
Phía ngoài thành được bố trí các hào bao bọc thường được gọi là hồ Ngoại Kim. Công trình này rộng 16m, sâu 4m, nước cao 1m. Hai bên hào được kè bởi đá sơn thạch, trên kè có dựng lan can cao 0,88m.
Xen kẽ giữa thành và hào sẽ có khoảng đất rộng 13m được xem là nơi phòng thủ khi bị tấn công, đổ sập thì gạch đá sẽ rớt xuống dưới không hào bị lấp đầy. Nơi đây cũng được xây mười cây cầu bằng gạch và đá bắc qua hào để thông đường trong và ngoài thành.
Với cấu trúc kín kẽ cùng với sự canh gác cẩn thận của vệ binh chốt tại các cửa sẽ khiến cho kẻ địch từ ngoài khó xâm nhập hoặc tấn công thành. Mặc dù có nhiều công trình quy mô khác nhau được xây trong Hoàng Thành nhưng tất cả đều được bố trí giữa thiên nhiên cạnh các hồ nước lớn nhỏ, cầu đá, hòn đảo, vườn hoa và các loại cây lâu năm.
Tổng thể kiến trúc ở Hoàng Thành đều được xây theo kiểu nhà kép hai mái trên một nền. Tất cả đều được đặt trên nền cao, nền lát gạch Bát Tràng tráng men xanh, vàng. Hệ thống vỉa ốp đá Thanh, phần mái lợp loại ngói Thanh lưu ly (màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (màu vàng).
Các cột trụ đều được quét sơn thiếp. Nội thất bên trong các cung điện sẽ được trang trí theo phong cách một bài thơ kèm một bức tranh với các mảng chạm khắc theo đề tài tứ thời hoặc bát bửu trên nền gỗ.
Các di tích bên trong Hoàng Thành Huế
Ngọ Môn Huế
Cổng Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành và cũng là kiến trúc cửa đẹp nhất của Hoàng Thành. Ngọ Môn hướng mặt về phía nam kinh thành và nhìn ra xa sông Hương dịu dàng. Công trình này gồm 5 cửa. Trong đó cửa ở giữa chỉ dành riêng cho vua đi. Hai cổng kế bên dành cho quan võ, quan văn. Hai cổng ngoài cùng là nơi cho binh lính, voi ngựa đi qua.
Phía trên các cửa là công trình lầu Ngũ Phụng được xây từ gỗ lim. Kiến trúc này được chia thành 2 tầng và 9 mái, trong đó 8 mái lợp màu xanh còn mái ở giữa được lợp màu vàng. Trước kia, lầu Ngũ Phụng là địa điểm tổ chức các ngày lễ lớn của triều đình Nguyễn.
Trải qua gần 2 thế kỷ và chứng kiến biết bao dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Cổng Ngọ Môn vẫn tồn tại theo năm tháng và trở thành kiệt tác kiến trúc đỉnh cao.
Điện Thái Hòa
Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực của Hoàng Thành Huế. Nơi đây trước kia cùng với sân chầu diễn ra các buổi triều nghi quan trọng của triều đình: sinh nhật vua, lễ Đăng Quang hay những buổi đón tiếp sứ thần,...
Trong quá trình xây dựng chế độ phong kiến, điện Thái Hòa được xem là trung tâm của cả nước. Ngôi điện được xây vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1833, vua Minh Mạng đã quy hoạch di tích này nằm trong hệ thống kiến trúc cung đình của Đại Nội. Trong đó phải kể đến việc dời điện và trùng tu lại lộng lẫy và đồ sộ hơn.
Cung Diên Thọ
Cung Diên Thọ được xem là hệ thống kiến trúc quy mô nhất ở Huế còn sót lại đến tận ngày nay. Đây từng là nơi lưu trú của các Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thái Hậu xưa kia. Ngày nay, du khách vẫn thường kéo về đây để hoài niệm lại phong cách sinh hoạt của triều đại phong kiến thời trước.
Cung Trường Sanh
Cung Trường Sanh còn được gọi với hai cái tên khác là cung Trường Ninh hoặc cung Trường Sinh. Di tích này được xây dựng vào năm 1821 (năm vua Minh Mạng thứ nhất) ở phía tây bắc của Hoàng Thành Huế.
Ban đầu cung Trường Sanh có vai trò là hoa viên, nơi các vị cua nhà Nguyễn mời Thái Hậu đến viễn cảnh. Về sau, cung được quy hoạch lại trở thành địa điểm nghỉ ngơi, ăn ở của một số bà Thái Hoàng Thái Hậu và Hoàng Thái Hậu.
Hưng Tổ Miếu
Hưng Tổ Miếu còn được gọi là Hưng Miếu. Đây là ngôi miếu thờ tự cha mẹ của vua Gia Long: ông Nguyễn Phúc Côn (hay Nguyễn Phúc Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Ngôi miếu này nằm ở phái tây nam Hoàng Thành và cách Thế Miếu 50m về phía Bắc.
Thái Tổ Miếu
Thái Tổ Miếu là nơi thờ các vị chùa nhà Nguyễn gồm: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Thuần. Ngôi miếu được khởi công vào năm 1804 (vua Gia Long thứ 3). Thái Tổ Miếu nằm ở phía đông nam của Hoàng Thành Huế, đối xứng với Thế Miếu ở phía tây nam.
Thế Tổ Miếu
Thế Tố Miếu tọa lạc ở phía tây nam bên trong Hoàng Thành Huế. Nơi đây là miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn. Không những thế, miếu còn là địa điểm triều đình lui tới để cúng tế các vị vua quá cố. Đặc biệt, nữ giới trong triều đình kể cả Hoàng hậu cũng bị cấm đến tham dự các buổi lễ này.
Triệu Tổ Miếu
Triệu Tổ Miếu được xây dựng vào năm 1804 (vua Gia Long thứ 3). Ngôi miếu nằm ở phía bắc của Thái Miếu thuộc bên trong Hoàng Thành Huế. Ngôi miếu là nơi thờ tự thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (Nguyễn Kim).
Hiển Lâm Các
Hiển Lâm Các được dựng nên dưới thời vua Minh Mạng từ năm 1821 và đến 1822 thì hoàn thành. Đây cũng là di tích thuộc hệ thống miếu thờ trong Hoàng Thành Huế. Hiển Lâm Các cao 17m và được coi là công trình cao nhất trong Hoàng Thành. Ngày nay, đây là đài kỷ niệm ghi nhớ công lao của các vua Nguyễn và quan đại thần có công lao to lớn cho sự phát triển của thời đại.
Cửu Đỉnh
Cửu Đỉnh là chín cái cái đỉnh đồng được đặt phía trước của Hiển Lâm Các. Vật tích nằm ở phái tây nam Hoàng Thành và đối diện với Thế Miếu. Tất cả các đỉnh được đúc vào cuối năm 1835 và đến năm 1837 thì hoàn thành.
Trên mỗi chiếc đỉnh sẽ có một tên riêng ứng với 1 hoàng đế của triều đình nhà Nguyễn. Chúng có trọng lượng và cách chạm trổ bên ngoài khác nhau.
Điện Phụng Tiên
Điện Phụng Tiên nằm phía trước cung Diên Thọ và ở phía tây của Hoàng Thành Huế. Công trình này được xây dựng bởi vua Gia Long và Minh Mạng dùng để thờ cúng các vị vua nhà Nguyễn.
Khác với Thế Miếu, ngôi điện này cũng thờ vua Nguyễn nhưng nữ giới trong triều có thể đến để cúng tế. Ngoài ra, đây là nơi lưu giữ nhiều bảo vật của nhiều đời vua Nguyễn. Tuy nhiên đến T2/1947 toàn bộ hệ thống điện bị cháy và hiện nay chỉ còn sót lại cửa Tam Quan và vòng tường thành.
Tổng thể kiến trúc của Hoàng Thành Huế không những có giá trị về nghệ thuật trang trí, điêu khắc mà đây còn là hệ thống hoàng cung duy nhất còn lại ở Việt Nam. Ngày nay, Hoàng Thành đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách khi du lịch Huế.
Lịch sử của Hoàng Thành Huế